date
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN SỞ Y TẾ THANH HÓA

Triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng lạm phát quỹ khám chữa bệnh BHYT

Đăng lúc: 13:36:08 03/11/2016 (GMT+7)

Tại hội nghị "Triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng lạm phát quỹ khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế", đồng chí Phạm Đăng Quyền - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Bảo hiểm xã hội (BHXH) tích cực ....

 
Tại hội nghị "Triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng lạm phát quỹ khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế", đồng chí Phạm Đăng Quyền - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Bảo hiểm xã hội (BHXH) tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát và có giải pháp can thiệp tháo gỡ phù hợp, có biện pháp xử lý cụ thể để giải quyết triệt để tình trạng nợ đọng bảo hiểm y tế (BHYT), bảo đảm quyền lợi cho người lao động; đề nghị ngành Y tế tăng cường quản lý về BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh (KCB), tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn cho các cơ sở KCB với quan điểm chống lạm dụng chứ không hạn chế quyền lợi của người có thẻ BHYT, bệnh nào phải đi với thuốc và dịch vụ kỹ thuật ấy; Các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các cơ sở có dấu hiệu vi phạm.

Ngày 29-8, UBND tỉnh tổ chức hội nghị điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020; triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ KCB BHYT và nợ đóng BHXH. Đ/c. Phạm Đăng Quyền, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành liên quan và các huyện, thị xã, thành phố, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.

Tính đến 31-7, trên địa bàn tỉnh có 2.825.565 người tham gia BHYT, chiếm 79,02 % dân số (chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện năm 2016 là 79,5%). Việc thực hiện chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ BHYT tuy gần đạt chỉ tiêu mà Chính phủ giao, nhiều địa phương có tỷ lệ cao nhưng chủ yếu do tác động từ chính sách của Nhà nước như người nghèo, bảo trợ xã hội, người dân tộc thiểu số sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, người sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn… (được cấp thẻ BHYT miễn phí); các địa phương không có nhiều đối tượng trên thì tỷ lệ tham gia BHYT thấp. Đến ngày 31-7, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 20,98% dân số chưa tham gia BHYT; có 3.986 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN (trên tổng số 7.687 đơn vị tham gia) với số tiền 336.889 triệu đồng bằng 6,29% kế hoạch thu, gồm 340 đơn vị HCSN nợ 13.443 triệu đồng; 3.646 doanh nghiệp nợ 220.593 triệu đồng; ngân sách nợ tiền đóng BHYT cho các nhóm đối tượng do nhà nước đóng 102.853 triệu đồng. Đặc biệt đáng quan tâm 55 doanh nghiệp (có số tiền nợ từ 300 triệu đồng trở lên) nợ chây ì, với số tiền nợ là 100.263 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2016, quỹ KCB BHYT âm 395 tỷ đồng... Nhiều nguyên nhân được chỉ ra, đó là do nhận thức của người dân về chính sách BHYT của Đảng, Nhà nước chưa được đầy đủ; công tác thông tin, tuyên truyền về nghĩa vụ và quyền lợi BHYT khi đi KCB còn hạn chế, chưa đến kịp thời, đầy đủ với người dân; mặt khác chất lượng KCB BHYT còn nhiều hạn chế, chưa làm hài lòng người bệnh BHYT, nên người dân chưa mặn mà trong việc tham gia BHYT; hiệu trưởng các nhà trường chưa quan tâm đúng mức đến việc triển khai, tổ chức thực hiện Luật BHYT, chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của BHYT học sinh, sinh viên; một số nơi cấp ủy và chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chính sách BHYT...; công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp nợ còn nhiều hạn chế, xử lý không kịp thời, xử phạt nhẹ không đủ sức răn đe; ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của người sử dụng lao động chưa nghiêm, không thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong việc thu nộp BHXH, BHYT, BHTN; chưa có biện pháp để xử lý triệt để các trường hợp vi phạm về trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN...

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận làm rõ những khó khăn tồn tại, nguyên nhân của các tình trạng nêu trên và đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong thực hiện các chế độ, chính sách về BHXH, BHYT.

Kết luận hội nghị, Đ/c. Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh BHXH, BHYT là hai chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, giữ vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội. Trong những năm qua các cấp, các ngành, các đơn vị đã có nhiều cố gắng và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong việc thực hiện các chính sách, chế độ về BHXH, BHYT nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân chưa tham gia BHYT vẫn còn nhiều, thực trạng lạm dụng, trục lợi quỹ KCB BHYT và nợ, chậm đóng BHXH của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đồng chí giao trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục tăng cường, vận động đối tượng tham gia, nhất là những huyện đạt thấp cần có giải pháp chỉ đạo quyêt liệt, huyện nào chưa đưa vào nội dung chương trình công tác của cấp ủy, chính quyền theo yêu cầu Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra cần bổ sung để triển khai thực hiện, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020 được giao; Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, người lao động, người sử dụng lao động và nhân dân hiểu rõ vai trò, ý nghĩa của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội; quyền và lợi ích của người tham gia, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT.

 Nguồn Trung tâm Truyền thông GDSK

Công khai kết quả giải quyết TTHC