Công điện khẩn của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19
Ngày 3-2, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành công điện khẩn số 05/CĐ-UBND gửi Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành và sự đồng thuận, tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh vẫn đang được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, hiện nay dịch bệnh trên địa bàn cả nước đang diễn biến hết sức phức tạp; từ ngày 27/01/2021 đến 6 giờ ngày 03/02/2021, dịch bệnh COVID-19 đã lây lan ra 10 tỉnh, thành phố, với 310 ca mắc bệnh lây nhiễm từ cộng đồng.
Tại tỉnh ta, thành công trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua chỉ là kết quả bước đầu; nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây lan trên địa bàn tỉnh là rất cao do số lượng người dân sinh sống, làm việc tại khắp mọi miền Tổ quốc và nước ngoài rất lớn, đang có nhu cầu trở về ăn tết tại địa phương, trong khi các ca mắc bệnh tại các tỉnh, thành phố tăng nhanh và đều lây nhiễm từ cộng đồng; trên địa bàn tỉnh đã rà soát, phát hiện được 13 trường hợp trở về địa phương có tiền sử tiếp xúc gần với các ca bệnh nhiễm COVID-19 (F1) (đều đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1) và 530 trường hợp F2, hàng trăm trường hợp F3; Việc nhập cảnh trái phép vẫn đang diễn ra và chưa được kiểm soát triệt để; Nhiều đối tượng trở về từ các vùng dịch nhưng không khai báo, khai báo không trung thực và kịp thời, gây khó khăn cho công tác giám sát, truy vết đối tượng; Biến chủng mới của SARS-CoV-2 có thời gian phát bệnh và tốc độ lây lan rất nhanh; Một số cán bộ trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh và một bộ phận Nhân dân có biểu hiện lơ là, chủ quan; thông điệp 5K chưa được triển khai hiệu quả.
Để chủ động kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh đã chỉ đạo thời gian qua và Công điện số 03/CĐ-UBND ngày 28/01/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh; đồng thời, tổ chức thực hiện ngay các nội dung sau:
1. Yêu cầu cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự vào cuộc của mọi người dân trong cuộc chiến phòng, chống dịch với phương châm: “Quyết liệt, khẩn trương, không lơ là, chủ quan”; song phải bình tĩnh, chủ động, không hoang mang, tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền, Ban Chỉ đạo các cấp; phải đặt quyết tâm cao nhất, quyết liệt nhất để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, bảo đảm sức khoẻ cho Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác phòng, chống dịch.
2. Công tác phòng, chống dịch phải được thực hiện thường xuyên, đồng bộ cho đến khi dịch bệnh được ngăn chặn; trước mắt tập trung đợt cao điểm phòng, chống dịch từ nay đến ngày 11/02/2021.
3. Tiếp tục thực hiện chiến lược xuyên suốt và phải có kịch bản cụ thể cho từng nội dung: ngăn chặn, truy vết, phát hiện, xét nghiệm, cách ly, khoanh vùng dập dịch và điều trị hiệu quả.
Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, tham mưu xây dựng các kịch bản để tổ chức triển khai thực hiện, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 04/02/2021.
4. Về các biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới
4.1. Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về phòng, chống dịch. Bí thư huyện, thị, thành ủy và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch tại địa phương, đơn vị và chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh về các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 thuộc địa bàn, lĩnh vực được giao phụ trách, quản lý.
4.2. Yêu cầu các sở, ban, ngành và thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh phải xây dựng kế hoạch cụ thể của đơn vị mình để triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời, tăng cường đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương được giao phụ trách.
4.3. UBND và Ban Chỉ đạo các cấp triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là phát hiện các trường hợp phải khai báo y tế, công tác giám sát, rà soát, truy vết thần tốc, phát hiện sớm, xét nghiệm nhanh và cách ly triệt để các đối tượng người nước ngoài nhập cư trái phép, công dân đang công tác, học tập, lao động ở các địa phương có dịch trở về địa bàn.
4.4. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp chỉ đạo tăng cường hoạt động của Tổ giám sát các cấp, nhất là Tổ giám sát thôn, bản, khu phố đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng, đặc biệt là đối tượng đi từ nước ngoài, tỉnh ngoài, ngoài tỉnh về địa phương để có biện pháp giám sát, phân luồng, cách ly theo hướng dẫn của ngành y tế, tuyệt đối không để sót, lọt các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các nhà hàng, khách sạn, các điểm tập trung đông người như: chợ, siêu thị, trung tâm mua sắm tại địa phương, các điểm bán hoa, cây cảnh để kiểm soát chặt chẽ người từ các vùng dịch vào địa bàn; phun khử khuẩn ít nhất 02 lần trong ngày đối với phương tiện, hàng hóa, cây cảnh,… từ tỉnh ngoài vào. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch tại nơi công cộng theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
4.5. Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý nhân khẩu, quản lý nhập cảnh, cư trú, hoạt động của công dân mới về địa phương, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch.
4.6. Về các chốt kiểm soát
- Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan khẩn trương thành lập 04 chốt kiểm soát liên ngành tại Dốc Xây (Bỉm Sơn), Thạch Quảng (Thạch Thành), Bãi Trành (Như Xuân), Khe nước lạnh (Nghi Sơn) để hoạt động liên tục 24/24 giờ từ ngày 03/02/2021 cho đến khi có thông báo mới.
- Giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh yêu cầu các xe đến hoặc đi qua các địa phương có dịch, các xe dừng đỗ tại tỉnh phải thông tin chính xác các đối tượng lên xe (họ tên, địa chỉ, điện thoại liên hệ, điểm xuống xe). Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh văn bản để phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trong việc kiểm soát phương tiện vận tải hành khách đến và đi qua địa bàn tỉnh, hoàn thành trong ngày 03/02/2021.
4.7. Về đảm bảo vật tư, hóa chất, sinh phẩm, trang phục bảo hộ và các trang thiết bị thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch
Giao Sở Y tế làm chủ đầu tư, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương đề xuất các loại vật tư, hóa chất, sinh phẩm, trang phục bảo hộ và các trang thiết bị thiết yếu đảm bảo phù hợp với công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế, nhất là ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện phổi và các khu cách ly tập trung của tỉnh, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 06/02/2021.
4.8. Về công tác xét nghiệm: Yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương truy vết, tổ chức xét nghiệm tất cả các đối tượng F1, F2, các đối tượng có nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nâng cao năng lực và mở rộng xét nghiệm sàng lọc đối với nhân viên y tế, nhân viên khu vực Cảng hàng không, bộ đội, công an, người thường xuyên tiếp xúc các nguồn có nguy cơ lây nhiễm, với tinh thần: thần tốc, phát hiện được người nào xét nghiệm ngay trong ngày.
4.9. Về kiểm soát người nhập cảnh: giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh qua các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, thực hiện nghiêm các biện pháp giám sát cách ly theo quy định.
4.10. Về các hoạt động tập trung đông người
- Đối với các sự kiện tập trung đông người thực sự cần thiết:
+ Từ 30 đến 100 người phải báo cáo và được sự đồng ý của Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh.
+ Trên 100 người phải báo cáo và được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy.
- Đối với các chương trình, hội nghị đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh phê duyệt kế hoạch và các hội nghị chuẩn bị phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp tiếp tục thực hiện bình thường, trong quá trình tổ chức phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế như: đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách,...
4.11. Về các cơ sở cách ly và chữa bệnh
- Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan, khẩn trương lập phương án bổ sung cơ sở vật chất tại Trung tâm Giáo dục - Quốc phòng thuộc trường Đại học Hồng Đức và Trung đoàn 762 (Trường Quân sự tỉnh cũ) thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bệnh viện phổi, Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đảm bảo yêu cầu khi có tình huống.
- Giao Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo kích hoạt và đảm bảo các điều kiện để cơ sở cách ly tại địa phương, sẵn sàng tiếp nhận, quản lý công dân khi có nhu cầu. Đồng thời, nghiên cứu bố trí kinh phí hỗ trợ, động viên kịp thời cho các Tổ giám sát cộng đồng, cán bộ phục vụ tại các khu cách ly và các đối tượng cách ly tập trung trên địa bàn trong những ngày Tết.
4.12. Về chế độ trực và thông tin báo cáo
- Đề nghị người đứng đầu và lãnh đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh trực tết 24/24 giờ để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.
- Yêu cầu Ban Chỉ đạo các cấp, các cơ sở y tế công bố công khai số điện thoại đường dây nóng, đảm bảo hoạt động thông suốt 24/24 giờ để người dân biết và cung cấp thông tin phòng, chống dịch bệnh cho đến khi có thông báo mới; đồng thời, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo trước 15 giờ 00 hằng ngày, gửi Sở Y tế tổng hợp.
- Giao Sở Y tế tổng hợp, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh, các thành viên Ban Chỉ đạo và UBND các huyện, thị xã, thành phố trước 16 giờ 00 hằng ngày về tình hình dịch bệnh trong ngày, các kiến nghị, đề xuất (nếu có).
4.13. Về tuyên truyền: Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các cơ quan báo chí của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh, không để người dân hoang mang, lo lắng; xử lý nghiêm trường hợp thông tin sai lệch, không chính xác về tình hình dịch COVID-19; mở các chuyên trang, chuyên mục, dành nhiều thời lượng phát sóng để hướng dẫn Nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
4.14. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo hoàn thành mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội; trước mắt, xác định công tác phòng, chống dịch COVID-19 là trọng tâm, cấp bách.
4.15. Đề nghị các đồng chí: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy viên, Bí thư các huyện ủy, thị ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương, đơn vị mình phụ trách.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc Công điện này./.
Nguồn : https://baothanhhoa.vn/thoi-su/cong-dien-khan-cua-chu-tich-ubnd-tinh-thanh-hoa-ve-viec-tang-cuong-thuc-hien-cac-bien-phap-cap-bach-phong-chong-dich-covid-19/131253.htm
- Trường Đại học Y Hà Nội hỗ trợ trang thiết bị y tế và tặng quà bà con chịu ảnh hưởng lũ lụt tại xã Thành Trực, huyện Thạch Thành
- Ngành y tế tổ chức đào tạo, cập nhật kiến thức, kỹ năng một số chuyên đề về Cấp cứu và Hồi sức cấp cứu cho nhân viên y tế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- Sở Y tế kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh do ngập lụt tại huyện Thạch Thành
- Sở Y tế Thanh Hóa tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ
- Tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập
- Kiểm tra công tác phòng chống lụt bão các cơ sở y tế
- Tăng cường chấn chỉnh hoạt động hành nghề y dược tư nhân
- Khởi động Dự án tăng cường năng lực hệ thống y tế để quản lý trầm cảm tại cộng đồng
- Phấn đấu đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm về dịch vụ y tế kỹ thuật cao của khu vực Bắc Trung bộ
- Nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân