date
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN SỞ Y TẾ THANH HÓA

Muối ăn và sức khỏe

Đăng lúc: 11:23:12 30/11/2017 (GMT+7)

Muối hay natriclorua (NaCl) là nguyên liệu rất quen thuộc trong cuộc sống của chúng ta, thành phần đáng chú ý nhất trong muối ăn là ion natri (còn gọi là sodium). Muối được sử dụng rộng rãi trong chế biến và bảo quản thực phẩm. Muối là gia vị quan trọng nhất để kích thích thần kinh vị giác, chỉ cần thêm một chút muối cũng giúp tăng vị ngon của các loại thực phẩm, kể cả trong trái cây, bánh kẹo, chè đường hay nước ngọt, nước dừa… Ăn quá nhiều muối đã được chứng minh là có hại đối với tim mạch và huyết áp nhưng ăn nhạt quá dẫn đến thiếu muối thì cũng nguy hiểm không kém.

Mặc dù cơ thể chúng ta có một cơ chế rất linh hoạt để điều hòa lượng muối hấp thu và bài tiết qua hệ tiêu hóa, niệu thận và tuyến mồ hôi, nhưng nếu chúng ta ăn quá nhiều muối, về lâu dài sẽ dẫn đến những tổn hại khó hồi phục cho cơ thể, trước hết là mạch máu, tim, thận, não, rồi đến các cơ quan khác: gan, tụy, dạ dày, xương, da…

Theo chuyên gia dinh dưỡng của Viện dinh dưỡng quốc gia, người bình thường không bị tăng huyết áp, không bị thừa cân, không mắc các bệnh phải kiêng mặn chỉ nên ăn từ 6 - 8g muối một ngày tương đương khoảng 1 thìa cà phê. (bao gồm cả trong thực phẩm, trong quá trình chế biến, nước mắm, bột canh...). Hiện nay khẩu phần ăn trong ngày với lượng muối nhiều hơn khuyến cáo rất nhiều đó là chưa kể nhiều thực phẩm chế biến (kể cả bánh kẹo, nước giải khát) ngày nay chứa rất nhiều natri, không những do chứa nhiều muối, mà natri còn có mặt trong hầu hết các phụ gia thực phẩm, bao gồm chất bảo quản, chất điều vị như bột nêm, bột ngọt,…

Do đó, để giảm tác hại của việc ăn nhiều muối ảnh hưởng đến sức khỏe, các chuyên gia về dinh dưỡng thường khuyên cần hạn chế ăn muối và các thực phẩm chế biến chứa nhiều muối. Tuy nhiên, trừ trường hợp có chỉ định của bác sĩ, việc giảm ngay hàm lượng mắm muối trong bữa ăn hàng ngày đối với nhiều người có lẽ sẽ rất khó khăn, vì sẽ khiến chúng ta cảm thấy mất ngon, có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Cho nên để giảm dần dần lượng muối ( kể cả bột ngọt, bột nêm) hoặc nước mắm cho thêm vào thức ăn hàng ngày cần hạn chế các loại mắm, dưa muối, kho mặn…, cũng như tránh để các lọ muối hay nước mắm nguyên chất trên bàn ăn. Theo kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc giảm ăn muối trong khẩu phần ăn, các vật dụng đựng đựng gia vị có chứa nhiều muối mỗi lần muốn sử dụng lấy được rất ít, ví dụ như lọ đựng muối có lỗ rắc nhỏ, người ăn muốn sử dụng phải rắc nhiều lần. Theo ước tính của các chuyên gia tim mạch thì chỉ cẩn giảm 15% lượng muối tiêu thụ hàng ngày (là điều dễ thực hiện) cũng có thể giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về sức khỏe.

Để có một chế độ dinh dưỡng hợp lý tốt cho sức khỏe, chúng ta cần phải thay đổi thói quen ăn quá nhiều muối. Hãy tập thói quen nêm nếm vừa ăn hoặc hơi nhạc, việc ăn nhạc có thể làm giảm vị giác khi ăn uống nhưng dần sẽ quen. Từng bước giảm dần thói quen ăn nhiều muối trong bữa cơm gia đình hàng ngày Hạn chế các món ăn rán/xào cần dùng kèm với nước chấm. Nên sử dụng nước mắm pha loãng (cùng tỏi, ớt...) trong bữa ăn hàng ngày thay vì nước chấm mặn nguyên chất. Tập cho trẻ đừng sử dụng nhiều nước chấm trong bữa ăn, hạn chế để muối tiêu, muối ớt trên bàn ăn. Hạn chế sử dụng các thực phẩm chứa nhiều muối đồ hộp, xúc xích,  cháo ăn liền, mì ăn liền (lượng muối trung bình là 4,2g trong mỗi gói mì ăn liền tương ứng từ 5 - 7g muối trong mỗi 100g sản phẩm). Khi ăn uống hoặc chế biến thực phẩm cần nhớ “cho ít muối, chấm nhẹ tay, giảm ngay đồ mặn”./.

Nguyễn Tùng

 

Công khai kết quả giải quyết TTHC