date
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN SỞ Y TẾ THANH HÓA

Chuyển đổi số y tế trong thời đại 4.0

Đăng lúc: 14:26:21 10/01/2023 (GMT+7)

 Chuyển đổi số đang trở thành chiến lược mới

Theo khảo sát năm 2018 của IDC, chuyển đổi số (digital transformation) đang trở thành chiến lược tại các doanh nghiệp, tổ chức trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chuyển đổi số không chỉ giúp công việc được vận hành trơn tru, chính xác, mà còn mang lại nhiều tiện lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trước tình hình đại dịch COVID 19 cùng với sự hỗ trợ của những phát triển công nghệ trong thời đại 4.0, chuyển đổi số trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng là một điều hết sức cần thiết, hứa hẹn sẽ là một bước tiến lớn trong việc chẩn đoán, khám, chữa bệnh trong tương lai.

Những thành công bước đầu trong thời kỳ đại dịch

Từ tháng 4-2020, giữa lúc cả nước đang giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19, Bộ Y tế phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành y tế, kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ cùng tham gia phát triển giải pháp công nghệ phù hợp. Sự phối hợp kịp thời và đúng lúc này đã nhanh chóng mang lại những kết quả tích cực ban đầu cho việc vận dụng xu thế công nghệ 4.0 trong việc khám, chữa bệnh. Chỉ sau đúng một tuần, hệ thống hỗ trợ tư vấn KCB từ xa (Telehealth) đầu tiên đã hoàn thành và chỉ hai tháng sau khi đi vào hoạt động, Bộ Y tế đã ban hành đề án “KCB từ xa” giai đoạn 2020 – 2025 với thông điệp chủ đạo là “Chất lượng KCB vươn cao, vươn xa”. Sau hơn hai tháng triển khai đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 – 2025 đã có hơn 1.000 điểm cầu là các bệnh viện tuyến dưới kết nối trực tuyến với gần 30 bệnh viện tuyến trên để thực hiện các hoạt động tư vấn, khám, chữa bệnh, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã có bệnh viện đăng ký tham gia. Ngoài ra cũng đã có hai bệnh viện của nước bạn Lào và một bệnh viện của Cam-pu-chia tham gia làm bệnh viện tuyến dưới.

Đến nay KCB từ xa đã trở thành hoạt động thường quy của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khi mỗi tuần, bệnh viện đều tổ chức một đến hai buổi kết nối KCB từ xa với gần 60 bệnh viện vệ tinh. Tổng cộng đã có gần 300 ca bệnh khó được cứu sống, xử lý kịp thời. Các thầy thuốc tuyến dưới cũng thấy rõ giá trị của Telehealth, đó là được tiếp cận thông tin ca bệnh hay, khó; qua đó rút ra được kinh nghiệm để cứu sống người bệnh.

Sau một tháng triển khai, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tổ chức được chín buổi KCB từ xa; bốn buổi tư vấn phòng, chống bệnh cho cộng đồng với sự kết nối của 343 bệnh viện tuyến dưới. Có 34 ca bệnh được khám, hội chẩn; 10 khóa đào tạo các chuyên đề về phòng, chống dịch, hồi sức cấp cứu và nội khoa… Ngày 11-9 vừa qua, nhờ Telehealth, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã hỗ trợ các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hòa Bình cứu sống một người bệnh bị sốc phản vệ, ngừng tim gần 60 phút.
 

Những nỗ lực lâu dài của nền y tế Việt Nam

Trong thời gian tới, nhất là khi cả nước mở cửa trở lại để tiếp tục phát triển kinh tế – xã hội trong tình hình mới, việc mở rộng các hoạt động KCB từ xa vẫn rất cần thiết không chỉ thúc đẩy tiến trình đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành y tế trong nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Việc mở rộng hoạt động KCB từ xa có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình đổi mới của ngành y tế nhằm nâng cao chất lượng KCB toàn tuyến, cũng như giúp tạo nền tảng số cho ngành lưu giữ tài liệu, dữ liệu. Trên cơ sở đó, ngành y tế sẽ phối hợp chặt chẽ các đơn vị liên quan tiếp tục mở rộng mạng lưới KCB từ xa đến hơn 14 nghìn cơ sở y tế trong cả nước để thực hiện bao phủ y tế toàn dân. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện để hướng tới “nối mạng” với quốc tế, kết nối với các nước có nền y khoa tiên tiến để vừa học hỏi, nâng cao trình độ cho các thầy thuốc nước nhà, vừa giúp người dân không cần ra nước ngoài để KCB.

Hiện nay đang ở giai đoạn đầu của quá trình triển khai đề án, cho nên còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Do vậy, ngành y tế cũng như các địa phương cần tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm; hoàn thiện hành lang pháp lý về KCB từ xa và phối hợp các đơn vị công nghệ thông tin cùng tham gia phát triển các nền tảng, ứng dụng công nghệ trực tuyến để chẩn đoán, tư vấn điều trị và bí mật thông tin. Về phía các doanh nghiệp công nghệ cần phối hợp Bộ Y tế đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số, ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở KCB; phát triển các nền tảng công nghệ cho lĩnh vực y tế như hỗ trợ tư vấn KCB từ xa, quản trị y tế thông minh… Hoàn thiện hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tạo điều kiện cho chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.

Công khai kết quả giải quyết TTHC