date
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN SỞ Y TẾ THANH HÓA

Chuyển đổi số y tế: Chủ động trong chăm sóc sức khỏe người dân

Đăng lúc: 17:22:09 13/03/2024 (GMT+7)

Sau giai đoạn căng thẳng chống đại dịch Covid-19, ngành y tế tiếp tục là điểm sáng về chuyển đổi số, góp phần quan trọng để vừa phòng, chống Covid-19, vừa hoàn thành nhiệm chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhân dịp Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10-10), phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Trường Nam, Phó cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế), xung quanh tác động đến cách thức làm việc, giao tiếp của đội ngũ, cán bộ, thầy thuốc, bác sĩ và người lao động trong ngành, chuyển đổi phương thức làm việc từ môi trường truyền thống sang môi trường số, hình thành “người thầy thuốc số”.

Hình thành “bác sĩ số”

Phóng viên (PV): Chuyển đổi số giúp hình thành bác sĩ số và thay đổi cơ bản phương thức khám, chữa bệnh từ trực tiếp sang trực tuyến là bài toán ứng dụng công nghệ thông tin vào chuyển đổi số tại các cơ sở khám, chữa bệnh và đề xuất giải pháp từ doanh nghiệp, đơn vị công nghệ. Theo ông, việc triển khai có khó khăn, thuận lợi như thế nào?

Ông Nguyễn Trường Nam: Khi triển khai chuyển đổi số, đặc biệt là hướng tới bác sĩ số có những thuận lợi khó khăn, nhất định. Thuận lợi vì đây là một xu hướng tất yếu vì chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số và thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trên thế giới, không riêng Việt Nam. Mà Việt Nam cũng đang có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ là chúng ta cần phải chuyển đổi số và y tế cũng nằm trong xu hướng đó, nên đây là thuận lợi để chuyển số nói chung trong y tế và hình thành câu chuyện bác sĩ số là tất yếu phải thực hiện.

Chuyển đổi số y tế là một trong những ưu tiên hàng đầu của 8 lĩnh vực ưu tiên của chuyển đổi số quốc gia được quy định trong quyết định 749 của Chính phủ về phê duyệt chuyển đổi số quốc gia đến 2025 -2030. Trong đó đã chỉ rõ tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa nhà nước phải hình thành bộ phận y tế từ xa. Như vậy, khi triển khai từ khám bệnh trực tiếp sang trực tuyến cũng dựa trên nền tảng thiết bị từ xa. Đây là những thuận lợi vì đã có những định hướng của Chính phủ, đã có sự chỉ đạo trong chuyển đổi số của Bộ Y tế để các cơ sở y tế có căn cứ và yêu cầu cần phải thực hiện thì giúp cho việc thúc đẩy câu chuyện bác sĩ số được nhanh hơn hiệu quả hơn và rõ ràng hơn.

Trong 2 năm đối phó với đại dịch Covid-19, các bác sĩ cũng đã làm quen và cũng hiểu rõ hơn vai trò dùng công nghệ thông tin (CNTT) trong khám, chữa bệnh và việc chuyển đổi số, thay đổi phương thức cũ sang mới. Điều này nếu không có trong đại dịch gì sự hình thành thói quen này sẽ mất một quá trình dài hơn. Nhưng đã qua rồi nên giúp cho việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số y tế rõ ràng hơn. Cán bộ y tế đã tiếp nhận và làm quen dần việc này, nên khi chúng ta triển khai bác sĩ số thì sẽ đảm bảo tính khả thi, tính hiệu quả và tính sẵn sàng của cán bộ y tế. Người dân là người thụ hưởng thì qua đại dịch cũng đã tiếp cận y tế từ xa nên dễ dàng sử dụng các dịch vụ về khám bệnh trực tuyến. Như vậy, việc hình thành bác sĩ số là vấn đề thuận lợi.

Ngoài ra, vấn đề cốt lõi là công nghệ thì với sự phát triển công nghệ hạ tầng viễn thông, đặc biệt đã có kết nối 4G, 5G, 6G nên cũng tạo điều kiện cho triển khai khám trực tuyến, tư vấn trực tuyến một cách dễ dàng. Trước đây kết nối mạng thấp thì triển khai việc khám trực tuyến rất khó khăn, thậm chí không hiệu quả. Nhưng với công nghệ số tần số viễn thông phát triển mạnh thì nó đảm bảo cho việc thúc đẩy triển khai khám bệnh trực tuyến, tư vấn khám âm thanh rõ ràng, hình ảnh sắc nét và có thể chuyển tải dữ liệu y khoa thông qua ứng dụng trên môi trường mạng. Đó là những thuận lợi giúp thúc đẩy và sớm hình thành chuyển đổi số trong kỷ nguyên số và chữ số.

Khó khăn trong hình thành bác sĩ số là tính đồng bộ về cơ sở hạ tầng cũng như trình độ nhân lực. Các bác sĩ ở các tuyến trên có thể dễ dàng triển khai và chất lượng chuyên môn tốt hơn, bác sĩ ở địa phương thì còn nhiều khó khăn. Như vậy, nếu không có giải pháp sẽ dẫn đến một số khu vực phát triển tốt, chỗ khác lại không phát triển được cũng sẽ là khó khăn.

Cần triển khai đồng bộ khắp vùng miền

PV: Có thể hiểu việc chuyển đổi số ngành y tế sẽ giúp nâng cao trải nghiệm khám, chữa bệnh của bệnh nhân, cắt giảm bớt chi phí phát sinh cũng như thời gian chờ đợi. Tuy nhiên, hiện nay dữ liệu y tế nước ta hiện đang nằm rải rác ở các vùng miền. Đây có phải là nguyên nhân giảm tốc độ chuyển đổi số ngành y tế không, thưa ông? Biện pháp khắc phục của ngành như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Trường Nam: Nói đúng ra nó cũng có một nguyên nhân như vậy. Bởi để chuyển đổi số, chúng ta phải dựa trên dữ liệu và dữ liệu đóng vai trò then chốt đến thành công của chuyển đổi số. Giai đoạn trước, chúng ta ứng dụng tin học hóa để giải quyết một số bài toán nghiệp vụ trong khám bệnh, chữa bệnh. Ví dụ bệnh viện chỉ triển khai phần mềm quản lý thông tin bệnh viện vì chỉ có nhu cầu quản lý công tác khám bệnh, chữa bệnh. Nhưng nếu chuyển số y tế thì phải ứng dụng công tin một cách tổng thể và toàn diện và ứng dụng công nghệ số đem lại sự thay đổi tích cực và hiệu quả trong công tác y tế, nâng cao chất lượng trong khám bệnh, chữa bệnh. Như vậy, bệnh viện cần phải ứng dụng toàn diện và các phần mềm phải được liên thông với nhau. Có bệnh viện triển khai tới 20 phần mềm nhưng mà dữ liệu không được liên thông.

Nhưng chuyển đổi số thì phải kết nối chia sẻ và hình thành quy trình mới, các công đoạn phải liên thông với nhau. Muốn liên thông phải có dữ liệu nên khi dữ liệu trong từng cơ sở bị phân mảnh, rời rạc thì chuyển đổi số của chính bệnh viện đó cũng không thể thực hiện nổi. Vậy việc đầu tiên là các bệnh viện phải liên thông dữ liệu, các phần mềm phải kết nối và chia sẻ được với nhau. Muốn vậy mỗi bệnh viện phải hình thành kho dữ liệu của mình để đón nhận dữ liệu từ các phần mềm mà nó được quản lý tập trung và chia sẻ dữ liệu giữa các khoa phòng, bộ phận.

Ngoài ra địa phương cũng phải hình thành kho dữ liệu y tế của địa phương. Ví dụ, mỗi tỉnh sẽ phải hình thành kho dữ liệu về y tế của địa phương mình để các cơ sở khám, chữa bệnh liên thông dữ liệu vào kho đó. Khi người dân đi khám bệnh, chữa bệnh ở các bệnh viện khác nhau thì dữ liệu được liên thông. Cơ quan quản lý dựa trên dữ liệu đó để đưa ra các quyết định và nghiên cứu về các vấn đề quản lý tình hình khám, chữa bệnh trên địa bàn. Từ các cơ sở các địa phương kết nối về Bộ Y tế là cơ quan Trung ương về quản lý nước về người khám, chữa bệnh, chữa bệnh thì chúng ta sẽ có một kho dữ liệu y tế tại của các ngành tại Bộ Y tế. Rồi chúng ta kết nối lên Chính phủ để phục vụ cho công tác điều hành của Chính phủ số như hiện nay. Ví dụ như chúng ta đang triển khai các hình thức là kết nối dữ liệu để sang cơ sở dân cư để trên cơ sở đó có các thông tin quản lý người dân trong dân cư đã có thông tin đến sức khỏe thì đấy là cái mà chúng ta đang đang thực hiện.

Tiến tới bệnh án điện tử 

PV: Mục tiêu của Bộ Y tế là đến năm 2025 cả nước sẽ không còn bệnh án giấy, đến thời điểm hiện tại bệnh án điện tử đã được thực hiện đến đâu và có thể cán đích trong năm 2025 được không, thưa ông?

Ông Nguyễn Trường Nam: Ứng dụng CNTT trong khám, chữa bệnh được các chuyên gia đánh giá là một trong những lĩnh vực khó khăn và phức tạp nhất so với các lĩnh vực khác. Chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh liên quan đến sức khỏe, tính mạng người dân, nếu triển khai không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu cũng như quy trình, sẽ tạo ra những hiệu ứng, kết quả ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Chúng tôi đang có kế hoạch thúc đẩy việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số tại các cơ sở khám, chữa bệnh với việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các thông tư hướng dẫn các đơn vị triển khai ứng dụng CNTT cũng như chuyển đổi số bệnh viện hiệu quả. Ví dụ như Thông tư 54 về xây dựng bộ tiêu chí ứng dụng bệnh viện, giúp các bệnh viện ứng dụng hiệu quả, hoặc Thông tư 46 hướng dẫn quy định về bệnh án điện tử để các đơn vị triển khai đúng định hướng của Bộ Y tế; hay Thông tư 48 về trích chuyển dữ liệu để giúp cho công tác thanh toán, giám định BHYT thuận lợi và dễ dàng, chính xác, minh bạch; các Thông tư về y tế từ xa và Thông tư về hoạt động y tế trên môi trường mạng… Đấy là những hành lang pháp lý để thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng CNTT tại các cơ sở khám, chữa bệnh cho hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Về mục tiêu đến 2025 các bệnh viện có thể chuyển sang bệnh án điện tử mà không cần bệnh án giấy, thì đến nay, về mặt kỹ thuật nghiệp vụ cơ bản các bệnh viện đã có thể sẵn sàng. Tuy nhiên, còn liên quan đến nguồn lực đầu tư. Hầu hết các bệnh viện đều được quản lý ở các địa phương, khi đẩy mạnh CNTT, bệnh án điện tử thì nếu các địa phương quan tâm tạo điều kiện bố trí kinh phí cho các bệnh viện triển khai, thì năm 2025 hoàn toàn có thể triển khai bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy.

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân

Công khai kết quả giải quyết TTHC