date
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN SỞ Y TẾ THANH HÓA

Hội nghị giao ban tuyến Y học Cổ truyền năm 2016 và phương hướng nhiệm vụ những năm tiếp theo

Đăng lúc: 13:34:44 03/11/2016 (GMT+7)

Sáng ngày 29/8/2016, Sở Y tế tổ chức Hội nghị giao ban tuyến Y học Cổ truyền năm 2016 và phương hướng nhiệm vụ những năm tiếp theo; TS Nguyễn Bá Cẩn – Phó Giám đốc Sở Y tế dự và chủ trì hội nghị, đại diện Hội Đông Y tỉnh cùng lãnh đạo và cán bộ phụ trách Y học Cổ truyền các đơn vị y tế trên địa bàn toàn tỉnh tham dự.

 Năm 2015, mạng lưới y học cổ truyền từ tỉnh đến cơ sở đã tương đối hoàn thiện với 636 xã, phường, thị trấn triển khai khám chữa bệnh bằng Y học cổ truyền và 616 xã có vườn thuốc nam mẫu, trong đó có 116 xã đạt chuẩn quốc gia về Y học cổ truyền, 24/27 Bệnh viện đa khoa huyện/thị xã/thành phố có Khoa Y học Cổ truyền. Phần lớn các Bệnh viện đã quan tâm đầu tư kinh phí cho hoạt động Y học cổ truyền như mua sắm trang thiết bị, đào tạo nhân lực, tạo điều kiện cho bệnh nhân được hưởng lợi từ các dịch vụ khám chữa bệnh bằng Y học Cổ truyền; Phòng khám Y học Cổ truyền các tuyến đã khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền cho gần 300 nghìn lượt bệnh nhân đạt gần 17% và hơn 23 nghìn lượt điều trị nội trú kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại.

Hiện tại, Bệnh viện Y dược cổ truyền Thanh Hóa đã tự sản xuất bào chế được nhiều loại thuốc Đông dược như cao lỏng dưỡng tâm an thần, cao viêm gan, cao trĩ, cao ban long…đáp ứng nhu cầu điều trị tại bệnh viện và có khả năng cung cấp các sản phẩm ra thị trường và cung ứng cho cơ sở khám chữa bệnh BHYT. Song song với công tác điều trị, bệnh viện đã và đang thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào thực tiễn  như: Đánh giá tác dụng của bài thuốc “Dưỡng tâm an thần” trong điều trị suy nhược thần kinh; “Bổ dương hoàn ngũ” trong điều trị di chứng tai biến mạch máu não...

Phát biểu tại Hội nghị, TS Nguyến Bá Cẩn – Phó Giám đốc Sở Y tế đánh giá cao công tác khám chữa bệnh bằng Y học cổ truyền tại tất cả các tuyến. Tuy nhiên, đồng chí cũng đặt ra nhiều vấn đề xung quanh việc sử dụng nguồn dược liệu trong điều trị bệnh. Theo đó, trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác nuôi trồng và khai thác cây con làm thuốc, chiến lược để có vùng nuôi trồng dược liệu, phấn đấu để mỗi Trạm Y tế  xã/phường là nơi cung cấp dược liệu tại chỗ; tiếp tục kế thừa và ứng dụng các bài thuốc hay, các vị thuốc quý trong phòng chữa bệnh bằng Y học cổ truyền góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày một tốt hơn./.

Nguồn Trung tâm TTGDSK

Công khai kết quả giải quyết TTHC